Thủ tướng Truss từ chức sau 44 ngày tại nhiệm nhiều hỗn loạn, để lại hàng loạt thách thức cho nước Anh và đảng Bảo thủ cầm quyền.
Thủ tướng Anh Liz Truss ngày 20/10 thông báo từ chức, kết thúc nhiệm kỳ ngắn ngủi đầy biến động với những chính sách kinh tế gây hỗn loạn thị trường tài chính và những biến động nhân sự trong nội các.
“Tôi không thể hoàn thành sứ mệnh mà đảng Bảo thủ giao phó”, bà Truss nói bên ngoài văn phòng ở số 10 Phố Downing, chấm dứt 44 ngày tại nhiệm của mình, trở thành thủ tướng nắm quyền ngắn nhất trong lịch sử Anh.
Thị trường tài chính thở phào, nhưng đảng Bảo thủ cầm quyền lại lo lắng. Họ đứng trước một thách thức lớn là phải nhanh chóng tìm ra lãnh đạo có khả năng thống nhất các phe phái trong đảng và khắc phục những hỗn loạn vừa xảy ra.
Các ứng viên tiềm năng hiện tại gồm cựu bộ trưởng tài chính Rishi Sunak, người đã thua bà Truss trong cuộc tranh cử thủ tướng hồi mùa hè, lãnh đạo Hạ viện Penny Mordaunt, Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace và cựu thủ tướng Boris Johnson.
Các ứng viên cần có đủ chữ ký ủng hộ của 100 trong số 357 nghị sĩ đảng Bảo thủ, đồng nghĩa chỉ có tối đa 3 ứng viên đủ điều kiện. Các nghị sĩ sẽ bỏ phiếu loại một ứng viên, mở đầu cho cuộc đua song mã, nơi 172.000 thành viên của đảng bỏ phiếu chọn tân lãnh đạo. Lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ, cũng là thủ tướng Anh tiếp theo, sẽ được xác định trước ngày 28/10.
Kế hoạch kinh tế nhiều tham vọng từng giúp bà Truss đắc cử đã được chứng minh là thảm họa vào thời điểm nước Anh quay cuồng trong lạm phát tăng vọt và nền kinh tế trì trệ. Các cải cách được chính phủ của bà Truss công bố hôm 23/9, với những khoản cắt giảm thuế lên tới 45 tỷ bảng (50 tỷ USD), đã làm giảm giá trị đồng bảng Anh và có nguy cơ làm gia tăng lạm phát, tăng thêm nỗi đau cho doanh nghiệp và người dân khi nền kinh tế chưa hồi phục sau đại dịch.
Những hỗn loạn, bất bình sau khi chính sách kinh tế của bà Truss được công bố đã khiến thị trường hoảng loạn, gây sức ép chính trị và kinh tế ngày càng lớn, dẫn đến quyết định ra đi của bà Truss.
Đồng bảng Anh đã tăng khoảng 1% sau khi bà thông báo từ chức, nhưng tương lai đảng Bảo thủ sau biến cố này chưa rõ ràng. Vô số phe phái trong đảng Bảo thủ, từ những người ủng hộ Brexit tới các thành viên trung lập, đang tranh cãi gay gắt về hướng đi của đảng.
“Không ai có kế hoạch rõ ràng về lộ trình sắp tới. Đó chỉ là cuộc chiến tay đôi giữa các ứng viên tiềm năng”, nghị sĩ đảng Bảo thủ Simon Hoare nói.
Bronwyn Maddox, giám đốc các vấn đề quốc tế tại viện nghiên cứu Chatham House, cho rằng vị thế của Anh trên trường quốc tế đã bị tổn hại nghiêm trọng vì những hỗn loạn kinh tế, chính trị hiện nay.
Bà Maddox nói người kế nhiệm bà Truss sẽ phải đề ra các quyết sách lớn nhằm ổn định kinh tế đất nước, nhưng cũng cần có giải pháp để củng cố quan hệ với châu Âu. “Phần lớn những biến động hiện tại là hậu quả cay đắng của Brexit“, bà nói, đề cập tới quyết định Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Lãnh đạo Công đảng đối lập Keir Starmer cáo buộc đảng Bảo thủ gây ra tình trạng hỗn loạn hiện nay của đất nước. Trước khi bà Truss ra đi, đảng Bảo thủ đã tồn tại nhiều mâu thuẫn âm ỉ, khởi đầu bằng những bê bối trong chính quyền của cựu thủ tướng Johnson.
Sau khi ông Johnson từ chức trong cay đắng, đảng Bảo thủ đã phải dành cả mùa hè để chọn người thay thế, trong khi nước Anh đối mặt với nhiều sóng gió do giá năng lượng tăng đột biến. Việc thiếu vắng vị trí lãnh đạo trong thời gian dài được cho là đã làm giảm vị thế của Anh trên trường quốc tế vào thời điểm phương Tây đối mặt khủng hoảng năng lượng.
“Sau 12 năm nắm quyền thất bại của đảng Bảo thủ, người Anh xứng đáng nhận được những điều tốt hơn, chứ không phải ở trong cái vòng lặp hỗn loạn này”, ông Starmer phát biểu sau khi bà Truss từ chức.
Cuộc tổng tuyển cử tiếp theo của Anh dự kiến diễn ra vào năm 2024, nhưng các đảng đối lập cho rằng nên tiến hành ngay bây giờ nhằm chấm dứt những hỗn loạn do đảng Bảo thủ gây ra.
“Phe Bảo thủ không thể giải quyết những thách thức mà họ gây ra bằng cách thay đổi lãnh đạo mà không có sự đồng ý của người dân Anh”, ông Starmer nói.
Tuy nhiên, đảng Bảo thủ không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ chấp nhận tổng tuyển cử sớm và đối mặt nguy cơ thất bại trước Công đảng. Bởi vậy, giới quan sát cho rằng người dân Anh nhiều khả năng sẽ phải chờ thêm hai năm nữa để có thể bỏ lá phiếu định đoạt thủ tướng của mình.