Tân Thủ tướng thắp hy vọng cho Anh giữa khủng hoảng

0
77

Là thủ tướng thứ ba của Anh trong hai tháng, ông Sunak được tin có thể giúp Anh vượt qua hỗn loạn dù còn nhiều thách thức, theo chuyên gia.

“Khi cơ hội phụng sự đất nước xuất hiện, bạn không thể đặt câu hỏi về thời điểm mà chỉ nên cho thấy sự sẵn sàng”, tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak nói trong bài phát biểu toàn quốc đầu tiên sau khi nhậm chức hôm 25/10, tuyên bố sẽ “sửa chữa những sai lầm” của chính quyền tiền nhiệm.

Chỉ gần hai tháng trước, ông Sunak là ứng viên bị đánh bại trong cuộc tranh cử với bà Liz Truss, người sau đó giữ chức thủ tướng Anh trong 6 tuần. Bà Truss được bầu với một kế hoạch kinh tế đầy tham vọng, nhưng chính sách cắt giảm thuế mà bà đề ra đã khiến Anh rơi vào khủng hoảng.

Giờ đây ông Sunak, 42 tuổi, cựu bộ trưởng tài chính dưới thời thủ tướng Boris Johnson, được đặt niềm tin là người chèo lái đảng Bảo thủ và nước Anh vượt qua hỗn loạn.

“Ông Rishi Sunak nổi tiếng là nhà quản lý có năng lực từ thời còn làm bộ trưởng tài chính Anh. Ông được biết đến nhiều nhất trong vai trò xây dựng cơ chế nghỉ phép nhằm bù đắp phần thu nhập bị mất trong đại dịch”, tiến sĩ Sean Kippin, giảng viên chính sách công tại Đại học Stirling, Anh, nói về tân Thủ tướng Anh.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak phát biểu tại Số 10 Phố Downing, thủ đô London, Anh hôm 25/10. Ảnh: Reuters.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak phát biểu tại Số 10 Phố Downing, thủ đô London, Anh hôm 25/10. Ảnh: Reuters.

Jon Tonge, giáo sư về chính trị tại Đại học Liverpool, cũng cho rằng ông Sunak là lựa chọn phù hợp cho tương lai của Anh. “Ông Sunak đáng lẽ trở thành lãnh đạo từ mùa hè, nhưng đảng Bảo thủ đã sai lầm khi lựa chọn bà Truss. Ông ấy hiểu rõ tình hình kinh tế khó khăn của Anh”, giáo sư Tonge nói.

Đọc Thêm:  Máy tính chạy bằng tảo lục lam trong 6 tháng

Khi còn là bộ trưởng tài chính, ông Sunak đã ủng hộ ông Johnson, nhưng quyết định từ chức ngày 5/7 do cảm thấy cách tiếp cận kinh tế “quá khác biệt” so với thủ tướng. Quyết định của ông đã góp phần gia tăng áp lực, khiến thủ tướng Johnson từ chức hôm 7/7.

Khi tranh cử với bà Truss, ông đã chỉ trích kế hoạch cắt giảm thuế và tăng chi tiêu của bà, cho rằng nó sẽ tác động tiêu cực đến nền tài chính công của Anh và khiến lạm phát tăng. Cảnh báo của ông Sunak đã thành hiện thực, khi kế hoạch của bà Truss khiến thị trường tài chính Anh hỗn loạn và đồng bảng rớt giá.

Giới quan sát cho rằng chính phủ mới của ông Sunak sẽ đảo ngược những chính sách của bà Truss, đưa nước Anh vào thời kỳ “thắt lưng buộc bụng” mới. Tuy nhiên, giáo sư Tonge cho rằng tân Thủ tướng sẽ đối mặt nhiều vấn đề thách thức phía trước như vay nợ quá mức, lãi suất cao, lạm phát và đình công.

Không chỉ giải quyết các vấn đề tài chính, Thủ tướng Sunak còn phải tìm cách khôi phục ổn định cho nền chính trị đang hỗn loạn của nước Anh.

“Chính trị Anh trở nên bất ổn phần lớn do tình hình nội bộ của đảng Bảo thủ. Brexit không chỉ gây ra các vấn đề kinh tế như lạm phát, nó còn tăng chia rẽ về ý thức hệ và chính trị trong đảng Bảo thủ cầm quyền”, tiến sĩ Kippin chia sẻ.

Ông thêm rằng nhiệm kỳ ngắn ngủi và hỗn loạn của bà Liz Truss là kết quả của “phong cách chính trị hậu Brexit”: không nhìn nhận thực tế, coi thường ý kiến chuyên gia.

Giáo sư Tonge đồng tình với quan điểm rằng hỗn loạn của Anh hiện nay một phần bắt nguồn từ Brexit, với cái giá phải trả là vận mệnh chính trị của hai thủ tướng David Cameron và Theresa May. Lý do thứ hai là các chính trị gia quá tham vọng trong điều hành đất nước, điều đã xảy ra với ông Boris Johnson và bà Liz Truss.

Đọc Thêm:  Cuộc đột kích lớn nhất của đặc nhiệm Anh sau Thế chiến II

Trên lý thuyết, ông Sunak còn ít nhất hai năm trước khi Anh bước vào cuộc tổng tuyển cử tiếp theo. Thời gian đó là quá đủ để ông Sunak lấy lại thăng bằng cho con tàu nước Anh giữa sóng gió và khôi phục tỷ lệ ủng hộ đang sụt giảm nghiêm trọng của đảng Bảo thủ trong các cuộc thăm dò dư luận, theo giới quan sát.

“Nhiều khả năng ông Sunak sẽ dành hai năm tới để cố gắng xoa dịu tình hình, lấy lại niềm tin, đồng thời hy vọng lạm phát sẽ giảm”, tiến sĩ Kippin nhận định. “Điều này có thể đủ để giúp đảng Bảo thủ củng cố niềm tin của cử tri về khả năng lãnh đạo của họ, trước khi Anh bước vào cuộc tổng tuyển cử tiếp theo”.

Trong khi đó, giáo sư Tonge cho rằng nhiệm vụ trước mắt của ông Sunak là phải đoàn kết đảng Bảo thủ và cả nước Anh. “Nếu ông thất bại, đảng Bảo thủ có thể sẽ bị đánh bại trong cuộc tổng tuyển cử tiếp theo, dự kiến vào cuối năm 2024”, ông nói.

Dù tân lãnh đạo Anh đối mặt nhiều thách thức khó giải quyết, những người ủng hộ vẫn tin rằng ông là lựa chọn an toàn để chèo lái đất nước vào thời điểm tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Giáo sư Tonge cũng lạc quan rằng trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Sunak, nước Anh “sẽ có một khoảng thời gian tương đối yên bình”.

Trang tin dành cho người Việt tại Đài Loan. Hãy share ngay cho cộng đồng người Việt tại Dai Loan để cập nhật tin mới về luật pháp, cuộc sống, nghề nails.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here