Năm 2022, Đài Loan nhập gạo từ Việt Nam tăng hơn 30% về lượng và gần 19% về giá trị so với năm 2021.
Văn phòng kinh tế văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc cho biết, hàng năm Đài Loan nhập khẩu 144.720 tấn gạo. Trước đây, Đài Loan thường chia hạn ngạch cho các đối tác là Mỹ, Australia, Thái Lan, Ai Cập. Vài năm trở lại đây, để đa dạng nguồn nhập khẩu, Đài Loan đã mở rộng sang 10 quốc gia khác nhau, trong đó có Việt Nam.
Năm 2022, thống kê của Cơ quan quản lý ngoại thương Đài Loan (BOFT) cho thấy nền kinh tế này đã nhập khẩu 125.415 tấn gạo các loại từ hơn 10 đối tác trên toàn thế giới, với kim ngạch nhập khẩu đạt 88,26 triệu USD, tăng 19,32% về lượng và tăng 23,78% về giá trị so với năm 2021.
Việt Nam vươn lên đứng thứ 3, chiếm hơn 16% thị phần với 20.281 tấn gạo, trị giá trên 10 triệu USD, tăng gần 31% về lượng và 18,51% về giá trị so với năm 2021. Trong khi đó, Thái Lan – đối tác lâu đời, có thị phần lớn thứ 2 của Đài Loan – liên tục bị giảm sản lượng. Năm ngoái, Đài Loan chỉ nhập 23.042 tấn gạo từ Thái Lan, giảm 20% so với 2021.
Gạo Việt Nam ngày càng được Đài Loan ưa chuộng vì chất lượng ngày càng cải thiện. Đặc biệt, giá gạo Việt khá cạnh tranh so với hàng Thái. Nếu 5 năm trước, gạo Việt xuất đi Đài Loan đa phần là dòng bình dân, gần đây gạo trung và cao cấp được xuất lượng lớn. Ngoài gạo tẻ, gạo nếp của Việt Nam cũng vượt cả hàng Mỹ, Thái Lan và có lượng xuất khẩu dẫn đầu ở thị trường này.
Năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo đi khắp thế giới với trị giá gần 3,5 tỷ USD. Đây cũng là năm đánh dấu gạo “made in Việt Nam” được bán trên các kệ của siêu thị các nước châu Âu.