Nữ hoàng Anh bị nghi từng vận động để không công khai tài sản

0
142

Nữ hoàng Anh đã vận động chính phủ thay đổi dự thảo luật vào năm 1873 để không phải công khai tài sản, theo điều tra của Guardian.

Hàng loạt bản ghi nhớ tại Cơ quan Lưu trữ Quốc gia cho thấy luật sư riêng của Nữ hoàng Elizabeth tháng 11/1973 đã gây áp lực lên các bộ trưởng để thay đổi dự thảo luật ngăn công khai tài sản của Nữ hoàng, tờ Guardian ngày 7/2 cho hay.

Sau khi Nữ hoàng can thiệp, chính phủ Anh đã thêm một điều khoản vào luật, trao quyền miễn trừ cho các công ty làm việc cho “nguyên thủ quốc gia” không cần tuân thủ luật minh bạch tài sản mới.

Thỏa thuận này thực hiện vào những năm 1970, đã được sử dụng để tạo ra một công ty vỏ bọc của nhà nước, quản lý nhiều khoản đầu tư và cổ phần tư nhân của Nữ hoàng tới ít nhất năm 2011. Quy mô thực sự về khối tài sản của Nữ hoàng chưa bao giờ được tiết lộ, dù ước tính lên tới hàng trăm triệu bảng Anh.

Tài liệu lưu trữ cho thấy vào tháng 11/1973, Nữ hoàng e ngại dự thảo luật minh bạch cổ phần công ty có thể khiến công chúng biết được tài sản riêng của bà, nên đã cử luật sư yêu cầu chính phủ thay đổi.

Đọc Thêm:  Tổng thống Pháp tặng ngựa cho Nữ hoàng Anh

Matthew Farrer, khi đó là đối tác của công ty luật Farrer & Co, đã tới gặp các quan chức Bộ Thương mại và Công nghiệp để thảo luận về các đề xuất minh bạch hóa trong dự luật do chính phủ của cựu thủ tướng Edward Heath soạn thảo.

Dự luật ngăn các nhà đầu tư bí mật nắm cổ phần đáng kể trong các công ty niêm yết bằng cách mua lại cổ phần thông qua công ty bình phong hoặc người đại diện. Dự luật bao gồm điều khoản cấp cho các giám đốc quyền yêu cầu bất kỳ người đại diện nào sở hữu cổ phần công ty đều phải công khai danh tính khách hàng.

Khi làm việc với quan chức Bộ Thương mại Anh, luật sư Farrer đã chuyển lời phản đối của Nữ hoàng, đồng thời đề nghị trao cho bà quyền miễn trừ trong dự luật.

Vài tháng sau, Bộ trưởng Thương mại Geoffrey Howe đề xuất sẽ chèn một điều khoản vào dự luật cho phép chính phủ có quyền miễn trừ cho một số công ty cụ thể khỏi yêu cầu khai báo danh tính cổ đông vì lợi ích của nhiều nhà đầu tư, trong đó có “nguyên thủ quốc gia”, chức danh thuộc về Nữ hoàng Elizabeth.

Đọc Thêm:  Tại Anh: Chủ các cơ sở kinh doanh hàng hóa không thiết yếu có thể mở cửa trở lại từ ngày 15/6

Đề xuất này được thông qua thành luật năm 1976, dưới thời thủ tướng Harold Wilson. Quyền miễn trừ lập tức được cấp cho một công ty mới thành lập là Ngân hàng England Nominees, do cán bộ cao cấp của Ngân hàng Trung ương Anh điều hành.

Cổ phần của Nữ hoàng được cho là đã chuyển cho công ty vào tháng 4/1977, theo cuốn sách xuất bản năm 1989 của nhà báo Andrew Morton. Quyền miễn trừ đã giúp tài sản riêng của Nữ hoàng không được công khai ít nhất tới năm 2011, khi chính phủ thông báo Ngân hàng England Nominees không còn được hưởng quyền miễn trừ nữa.

Công ty này đóng cửa 4 năm trước. Điều gì đã xảy ra với số cổ phiếu mà nó quản lý thay người khác hiện chưa rõ. Công ty chưa bao giờ công khai hoạt động kinh doanh của mình.

Cung điện Buckingham không trả lời câu hỏi về việc phải chăng Nữ hoàng đã vận động hành lang để thay đổi dự luật, hay liệu bà có gây áp lực lên chính phủ hay không.

Theo : Guardian

Trang tin dành cho người Việt tại Đài Loan. Hãy share ngay cho cộng đồng người Việt tại Dai Loan để cập nhật tin mới về luật pháp, cuộc sống, nghề nails.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here