Người Anh đến bước đường cùng giữa bão giá

0
132
Volunteers work to put together food parcels to be distributed to clients attending the Bradford Central Foodbank in Bradford, northern England on May 24, 2022. - Bradford Central Foodbank is helping twice as many people compared to pre-pandemic, as spiralling prices for energy, food and other basics leave a growing number of Britons struggling. (Photo by OLI SCARFF / AFP) / TO GO WITH AFP STORY BY JOE JACKSON

Dòng người xếp hàng dài trước một ngân hàng thực phẩm ở Bradford, nhận túi đồ được coi là “cứu tinh” trong cơn khủng hoảng vật giá.

Số người mà ngân hàng thực phẩm Bradford ở miền bắc nước Anh đang trợ giúp nhiều gấp đôi so với thời kỳ trước đại dịch, trong bối cảnh giá năng lượng, thực phẩm và nhu yếu phẩm liên tục tăng.

“Từ khi tôi làm tình nguyện viên ở đây, số người đến nhận thực phẩm cứu trợ đã tăng lên nhiều lần. Tôi cảm thấy tình hình ngày càng tệ hơn”, Karl Carroll, 33 tuổi, người sống dựa vào ngân hàng thực phẩm từ năm 2019 và hiện làm việc ở đây, nói.

“Tôi chỉ còn 40 bảng (50 USD) trong túi sau khi chi trả hóa đơn điện, nước, tiền thuê nhà. Vì vậy tôi có thể hiểu được các hộ gia đình đang khó khăn như thế nào”, anh bày tỏ.

Simon Jackson, 43 tuổi, nhân viên siêu thị thất nghiệp đang hưởng trợ cấp ốm đau dài hạn của chính phủ, bắt đầu tìm đến ngân hàng thực phẩm Bradford từ tháng 2. Đây là bước đường cùng của anh, khi không còn lựa chọn nào khác.

Simon Jackson, 43 tuổi, tới nhận đồ tiếp tế tại ngân hàng thực phẩm Bradford hôm 24/5. Ảnh: AFP
Simon Jackson tới nhận đồ cứu trợ tại ngân hàng thực phẩm Bradford hôm 24/5. Ảnh: AFP

“Cuộc sống mỗi lúc một khó khăn, chi phí sinh hoạt tăng vọt đến mức chúng tôi phải đến nhận đồ ăn từ thiện nhiều hơn”, anh cho hay.

Jackson mỗi tháng nhận được 900 bảng (khoảng 1.138 USD) từ nhiều nguồn hỗ trợ của chính phủ, nhưng giống Carroll, sau khi thanh toán các loại hóa đơn, trong túi anh chẳng còn mấy đồng. Vật giá leo thang khiến tình hình càng nghiêm trọng hơn.

“Những nơi như thế này ở Bradford được xem là cứu tinh cho chúng tôi, giúp chúng tôi đỡ khó khăn hơn khi phải lựa chọn giữa sưởi ấm hay ăn uống”, anh tâm sự.

Một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất của cuộc khủng hoảng vật giá ở Anh là lượng người đến ngân hàng thực phẩm tăng đột biến. Tổ chức từ thiện Trussell Trust cho hay hơn 1.400 địa điểm có liên kết với họ đã trao 2,1 triệu túi thực phẩm vào thời điểm này năm ngoái, trong đó 830.000 túi dành cho trẻ em, tăng 14% so với trước đại dịch.

Đọc Thêm:  Anh lần đầu có 4 lãnh đạo chủ chốt không phải đàn ông da trắng

Hoạt động cứu trợ thực phẩm ở Bradford diễn ra ba ngày một tuần, do một nhà thờ địa phương thực hiện. Ngân hàng thực phẩm chỉ có thể cung cấp cho mỗi người ba túi hàng trong vòng 6 tháng.

Túi hàng bao gồm những thực phẩm cơ bản như ngũ cốc, súp đóng hộp, thịt, cá, mì ống, nước sốt, bánh quy, đường, trà và cà phê.

Tình nguyện viên trong ngân hàng thực phẩm Bradford chuẩn bị thực phẩm phân phát hôm 24/5. Ảnh: AFP
Tình nguyện viên trong ngân hàng thực phẩm Bradford chuẩn bị thực phẩm phân phát hôm 24/5. Ảnh: AFP

Jossie Barlow, quản lý ngân hàng thực phẩm Bradford, cho hay tổ chức này thành lập năm 2011 và là một trong khoảng 30 nhà cung cấp thực phẩm miễn phí ở thành phố có hơn nửa triệu dân, hiện giúp đỡ 1.000 người mỗi tháng.

Vùng Đại Bradford là khu vực đô thị lớn thứ 6 ở Anh, nhưng người dân ở đây xếp thứ 5 trong số các vùng có chỉ số thu nhập thấp và thứ 6 trong số các khu vực thiếu việc làm trên toàn quốc, theo dữ liệu được chính phủ Anh công bố năm 2019.

“Người có thu nhập thấp nhất sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Họ phải mua nhu yếu phẩm, nhưng nhu yếu phẩm lại là thứ đang tăng giá mạnh nhất”, Barlow giải thích.

Cô đứng ở cửa, chào đón những người tới nhận thực phẩm bằng nụ cười ấm áp và năng lượng lạc quan, hướng dẫn họ tới khu vực lấy đồ và gặp chuyên gia tư vấn phúc lợi, nhà ở.

“Chúng tôi muốn tặng họ đồ ăn, nhưng cũng muốn giúp họ giải quyết nguyên nhân gốc rễ đẩy họ vào cuộc khủng hoảng thực phẩm”, Barlow nhấn mạnh.

Chính phủ Anh hôm 26/5 công bố gói hỗ trợ 15 tỷ bảng (18,9 tỷ USD) hỗ trợ những người yếu thế nhất trong xã hội, khi hóa đơn năng lượng dự kiến tăng 42% vào tháng 10 sau khi đã tăng 54% tháng trước.

Đọc Thêm:  Harry ca ngợi bà nội là 'kim chỉ nam'

3/4 số tiền này dành cho những người nhận trợ cấp trực tiếp từ chính phủ, với 650 bảng (820 USD) “phí hỗ trợ sinh hoạt” dành cho đa số. Người về hưu nhận thêm 300 bảng (379 USD), còn người khuyết tật nhận thêm 150 bảng (189 USD).

Nhưng tại Bradford, cũng như nhiều nơi khác, khoản hỗ trợ này không thể xoa dịu nỗi lo điều tồi tệ hơn sẽ đến. Lạm phát của Anh hiện ở mức 9% và dự kiến còn cao hơn.

“Tôi rất sợ mùa đông năm nay”, Barlow nói, lưu ý mùa hè khiến cuộc sống của họ dễ thở hơn vì không mất tiền mua khí đốt sưởi ấm. “Đến mùa đông, họ sẽ phải chi số tiền đó và tôi không rõ họ sẽ vượt qua kiểu gì”.

Jackson nhận định thời điểm tài chính khó khăn nhất là Giáng sinh, bởi các gia đình phải đau đầu tính toán chuyện tặng quà cũng như mua thức ăn ngày lễ.

“Tôi chỉ có một mình nên không nhiều gánh nặng, chỉ cần đắp thêm một cái chăn là đủ”, anh nói. “Nhưng nhà có con nhỏ thì phải mua quà Giáng sinh và những thứ khác. Họ sẽ thực sự khó khăn”.

Simone Hillhands, 34 tuổi, có ba con 10-15 tuổi. Cô không thể làm việc toàn thời gian, bởi phải chăm sóc một bé khuyết tật. Nhà trường nơi các con theo học đã giới thiệu cô tới ngân hàng thực phẩm.

“Tôi phải lo cho các con”, Hillhands giải thích.

Cô không nói nhiều về hoàn cảnh cá nhân, chỉ tâm sự rằng em gái cũng vừa trở thành người vô gia cư và tình cảnh của mọi người trong đại gia đình “thực sự rất khó khăn” do vật giá leo thang.

“Thứ gì cũng đắt đỏ không tưởng”, cô nói, cho rằng năm ngoái vẫn là quãng thời gian “dễ thở hơn rất nhiều”, dù khi đó đại dịch đang hoành hành.

Trang tin dành cho người Việt tại Đài Loan. Hãy share ngay cho cộng đồng người Việt tại Dai Loan để cập nhật tin mới về luật pháp, cuộc sống, nghề nails.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here