Anh chiếu chân dung Nữ hoàng lên mặt bãi đá cổ Stonehenge nhân dịp kỷ niệm 70 năm trị vì của bà, nhưng hoạt động này đang gây tranh cãi.
Quyết định chiếu ảnh của Nữ hoàng Anh Elizabeth II lên mặt bãi đá cổ Stonehenge 5.000 năm tuổi được các nhà tổ chức gọi là “sự tôn kính nhiệm màu”.
Tuy nhiên, một số người bình luận trên mạng xã hội rằng bãi đá cổ Stonehenge ở Wiltshire, Anh, nên được giữ nguyên hiện trạng vì đây là một địa điểm tôn giáo cổ đại. Nhiều người khác tỏ ra gay gắt hơn, nói rằng thật là hành vi “khó chịu” khi biến tượng đài thời tiền sử thành bảng quảng cáo.
“Đây là điều điên rồ hoặc tôi nên nói rằng đây là hành động mất trí”, một tài khoản Twitter bình luận.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người tỏ ra hào hứng với ý tưởng chiếu chân dung Nữ hoàng Anh lên mặt tượng đá cổ và mô tả nó như thể “ngai vàng”. Cựu thư ký báo chí và cũng là nhà phê bình hoàng gia Dickie Arbiter khen ngợi loạt ảnh Nữ hoàng trên bãi đá cổ Stonehenge “đẹp”.
Nhiều ý kiến cho rằng bãi đá cổ Stonehenge được xây dựng trong giai đoạn năm 3000 – 1520 trước Công nguyên. Mục đích của bãi đá cổ Stonehenge chưa được làm rõ, song cơ quan di sản Anh English Heritage kết luận rằng “chắc hẳn phải có lý do tâm linh nên những người thuộc thời kỳ đồ đá và đồ đồng mới nỗ lực rất nhiều để xây dựng nó”.
Ảnh chân dung Nữ hoàng Anh được chiếu lên mặt đá cổ Stonehenge nhân dịp kỷ niệm 70 năm trị vì của bà.
English Heritage không bình luận về phản ứng của công chúng, nhưng cho biết họ đã từng chiếu ảnh chân dung lên mặt đá Stonehenge trước đây. Năm 2020, khuôn mặt của 8 người tham gia hỗ trợ các lĩnh vực nghệ thuật và di sản Anh giữa đại dịch Covid-19 được chiếu lên mặt đá Stonehenge. Hồi tháng 11/2014, hình ảnh những người lính trong Thế chiến I cũng được chiếu lên mặt đá như một phần trong lễ tưởng niệm quân đội.
Đại lễ Bạch kim kỷ niệm 70 năm trị vì của Nữ hoàng Anh kéo dài 4 ngày, từ ngày 2/6 đến ngày 5/6, trong đó có các hoạt động như lễ hòa nhạc và cuộc diễu hành Trooping the Colour của quân đội hoàng gia Anh.