Miếng băng dính phanh phui bê bối nhấn chìm Richard Nixon

0
71

50 năm trước, khi nhân viên bảo vệ phát hiện miếng băng dính trên cửa tòa Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ, anh không ngờ nó sẽ khiến Richard Nixon phải từ chức tổng thống.

Đêm 16/6/1972, Frank Wills, nhân viên bảo vệ 24 tuổi, đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra quanh tòa nhà Watergate ở thủ đô Washington, nơi đặt trụ sở Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ, thì phát hiện miếng băng dính dán trên cánh cửa, ngăn nó khóa lại. Ban đầu, Wills không nghi ngờ, chỉ gỡ miếng băng dính và tiếp tục làm việc.

Tuy nhiên, khi người bảo vệ quay trở lại, miếng băng dính lại xuất hiện, khiến anh đoán rằng đã xảy ra vụ đột nhập và lập tức gọi điện báo cảnh sát.

Cảnh sát có mặt tại hiện trường “chỉ 1,5 phút sau đó”, John Barrett, một trong các sĩ quan cho biết. Anh cùng đồng nghiệp Paul Leeper mặc thường phục, thậm chí có phần lôi thôi.

Điều này có lợi cho các sĩ quan vì Alfred Baldwin, người đàn ông túc trực ở phía đối diện tòa nhà Watergate để canh chừng trong lúc nhóm còn lại đột nhập, không nhận ra sự xuất hiện của cảnh sát. Người này khi đó vẫn tập trung vào một bộ phim đang chiếu trên TV.

“Anh ta dán mắt vào TV và lúc anh ta cảnh báo cho người khác, đã quá muộn. Họ chạy trốn như chuột”, sĩ quan Barrett kể lại.

Các bằng chứng về vụ đột nhập tòa nhà Watergate, nơi đặt trụ sở Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) ở thủ đô Washington, được chụp lại hồi tháng 6/2002. Ảnh: AFP.
Các bằng chứng về vụ đột nhập tòa nhà Watergate, nơi đặt trụ sở Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) ở thủ đô Washington, được chụp lại hồi tháng 6/2002. Ảnh: AFP.

Khi vào trong, hai cảnh sát phát hiện miếng băng dính trên nhiều cánh cửa và nhận ra có điều mờ ám. “Chúng tôi ngay lập tức tập trung cao độ”, Leeper kể.

Các sĩ quan phát hiện các văn phòng bị lục soát và nghi ngờ thủ phạm vẫn chưa rời đi nên bắt đầu tìm kiếm từng phòng một. Đột nhiên, Barrett nhìn thấy một cánh tay khiến anh giật mình.

“Tôi hét lớn ‘Giơ tay lên nếu không muốn trúng đạn vào đầu’. 10 cánh tay sau đó giơ lên và họ bước ra ngoài”, Barrett kể lại.

Đọc Thêm:  Bốn người đàn ông hầu tòa sau cuộc đột kích tại trang trại trồng cần sa lớn nhất từ trước đến nay của County Durham ở Darlington

Bên kia đường, Baldwin lắng nghe diễn biến qua bộ đàm. “Dù tiếng thì thầm rất khẽ, tôi vẫn nghe thấy câu: Họ tóm được chúng ta rồi”, Baldwin sau này kể lại.

Những tên trộm này mặc vest, đeo cà vạt và mang theo thiết bị nghe lén, bút xịt hơi cay, nhiều cuộn phim, dụng cụ phá khóa cùng nhiều tiền mặt. Barrett cho biết lực lượng cảnh sát sớm nhận ra đây không phải vụ trộm cắp bình thường.

Ngày 18/6/1972, Washington Post xuất bản bài báo đầu tiên của phóng viên Alfred E Lewis về vấn đề này. Sau đó hai phóng viên Bob Woodward và Carl Bernstein tham gia tiếp quản tuyến bài về bê bối Watergate.

Họ chỉ ra nhóm người bị bắt gồm các nhà hoạt động và những người đã làm việc cho CIA, FBI, trong đó đặc biệt đáng chú ý là James McCord, trưởng bộ phận an ninh cho chiến dịch tái tranh cử năm 1972 của tổng thống Richard Nixon. Các phóng viên cho rằng vụ đột nhập rõ ràng liên quan đến Nhà Trắng nhưng chính quyền Nixon bác bỏ.

Tổng thống Mỹ Richard Nixon tại Nhà Trắng hồi tháng 2/1969. Ảnh: AP.
Tổng thống Mỹ Richard Nixon tại Nhà Trắng hồi tháng 2/1969. Ảnh: AP.

Hai phóng viên sau đó liên tục được một người lấy bí danh Deep Throat cung cấp thông tin. Đến năm 2005, Deep Throat mới được tiết lộ là phó giám đốc FBI Mark Felt.

Ngày 10/10/1972, hai nhà báo đưa tin vụ đột nhập Watergate nằm trong bê bối thu thập thông tin và phá hoại chính trị lớn được thực hiện để phục vụ cho nỗ lực tái tranh cử của ông Nixon. 5 người đàn ông đã được các quan chức có quan hệ với Nhà Trắng giao nhiệm vụ đặt micro nghe lén và chụp ảnh để tìm thông tin bất lợi về đối thủ của Nixon trong vòng bầu cử.

Bất chấp những tiết lộ này, chiến dịch của Nixon không bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngày 7/11/1972, ông Nixon tái đắc cử với cách biệt phiếu rất lớn so với đối thủ đảng Dân chủ.

Đọc Thêm:  PHẦN 1: Quyền lợi của người lao động (thợ) trong Chương trình Hỗ trợ Duy trì Việc làm của Chính phủ do ảnh hưởng của Coronavirus (Coronavirus Job Retention Scheme)

Tuy nhiên, sự việc không dừng lại ở đây, Ngày 8/1/1973, 5 kẻ đột nhập Watergate bị xét xử. Ngày 7/2/1973, phe Dân chủ chiếm đa số tại Thượng viện thành lập một ủy ban điều tra chiến dịch bầu cử năm 1972. Được truyền hình trực tiếp trên truyền hình, các phiên điều trần khiến người Mỹ sửng sốt. McCord thừa nhận đã nói dối trước tòa do áp lực từ Nhà Trắng.

Ngày 25/6/1973, John Dean, phụ tá của Nixon, nói với ủy ban rằng ông Nixon đã cố gắng chặn cuộc điều tra vụ đột nhập Watergate và sẵn sàng chi gần một triệu USD để “bịt miệng” 5 người bị bắt.

Thông tin “bom tấn” được hé lộ vào ngày 16/7/1973 khi một nhân viên tại Nhà Trắng nói với ủy ban rằng Phòng Bầu dục được gài nhiều micro ẩn. Tổng thống Nixon đã bí mật ghi lại tất cả cuộc họp tại Nhà Trắng của ông, trong đó có một đoạn ghi âm cho thấy Nixon yêu cầu FBI “tránh xa” cuộc điều tra vụ đột nhập Watergate. Tòa án Tối cao Mỹ đã yêu cầu Nixon giao nộp đoạn băng này.

Nixon tuyên bố từ chức ngày 9/8/1974, sau khi các nghị sĩ kỳ cựu của đảng Cộng hòa cảnh báo ông nhiều khả năng bị phế truất bằng quy trình luận tội. Trong khi đó, hai phóng viên Washington Post nhận được giải thưởng Pulitzer danh giá.

Người kế nhiệm Gerald Ford ân xá cho Nixon về mọi hành vi phạm tội liên bang nào mà ông phạm phải hoặc có thể đã phạm khi còn đương chức.

Quyết định này gây nhiều chỉ trích nhưng Ford giải thích rằng để bê bối Watergate kéo dài sẽ chỉ càng khiến công chúng Mỹ chia rẽ. “Cơn ác mộng dai dẳng của Mỹ đã qua”, ông Ford nói khi nhậm chức.

Trang tin dành cho người Việt tại Đài Loan. Hãy share ngay cho cộng đồng người Việt tại Dai Loan để cập nhật tin mới về luật pháp, cuộc sống, nghề nails.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here