Anh chấp thuận dẫn độ người sáng lập WikiLeaks sang Mỹ

0
58

Giới chức Anh chấp thuận yêu cầu dẫn độ sáng lập viên WikiLeaks sang Mỹ để hầu tòa vì cáo buộc công bố tài liệu quân sự bí mật.

Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel ngày 17/6 thông báo Julian Assange, sáng lập viên WikiLeaks, có 14 ngày để chống lại quyết định dẫn độ sang Mỹ. Phát ngôn viên Bộ Nội vụ Anh cho biết Bộ trưởng Patel không có căn cứ pháp lý nào để chặn lệnh dẫn độ, sau khi một tòa án Anh hồi tháng 4 chấp thuận điều này.

“Các tòa án của Anh không coi dẫn độ ông Assange là áp bức, bất công hay lạm dụng quy trình. Họ cũng không coi việc dẫn độ sẽ không phù hợp với quyền con người của Assange”, người này cho biết. “Ông ấy sẽ được đối xử thỏa đáng tại Mỹ, kể cả vấn đề liên quan đến sức khỏe”.

WikiLeaks gọi quyết định nói trên là “một ngày đen tối cho tự do báo chí và nền dân chủ Anh”, cho biết sẽ kháng cáo lên tòa án tối cao của Anh, đồng thời cáo buộc Mỹ âm mưu sám sát sáng lập viên của nhóm.

“Julian không làm gì sai. Ông ấy không phạm tội và không phải là tội phạm”, WikiLeaks cho biết trong thông cáo ngày 17/6, nhận định đây là động thái mang tính chính trị vì Assange “đã công bố bằng chứng cho thấy Mỹ phạm tội ác chiến tranh và che đậy chúng”.

Đọc Thêm:  Nước Anh lo ngại bước vào giai đoạn tồi tệ nhất của dịch COVID-19

Mỹ chưa bình luận về cáo buộc của WikiLeaks.

Sáng lập viên WikiLeaks Julian Assange tới tòa án Westminster ở London tháng 4/2019. Ảnh: Reuters.
Sáng lập viên WikiLeaks Julian Assange tới tòa án Westminster ở London tháng 4/2019. Ảnh: Reuters.

Assange, 51 tuổi, công dân Australia, bị Mỹ truy tố theo Đạo luật gián điệp với cáo buộc tấn công máy tính của chính phủ để thu thập và tiết lộ trái phép lượng lớn tài liệu quân sự mật và các bức điện ngoại giao trên WikiLeaks, hành vi mà họ cho là đe dọa tính mạng nhiều người.

Cảnh sát Anh bắt Assange năm 2019, sau 7 năm ông này tị nạn tại đại sứ quán Ecuador ở London. Tòa án quận London hồi tháng 1/2021 cho rằng Assange không nên bị dẫn độ sang Mỹ, do ông có thể tự sát trong nhà tù nước này. Mỹ sau đó nộp đơn kháng cáo chống lại phán quyết.

Sau hai phiên điều trần, thẩm phán tòa cấp cao Timothy Holroyde tháng 12/2021 ủng hộ kháng cáo của Mỹ, cho biết ông hài lòng với những đảm bảo mà Washington đưa ra về điều kiện đối xử với Assange, trong đó có cam kết không giam ông này trong nhà tù nghiêm ngặt ADX ở bang Colorado. Mỹ cũng cam kết đưa Assange tới Australia thụ án nếu bị kết tội.

Đọc Thêm:  Virus bị xóa sổ 40 năm 'trỗi dậy' ở Anh

Wikileaks là một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế chuyên đăng tải các nội dung được gửi đến vô danh và các thông tin rò rỉ của các loại tài liệu chưa công bố, nhưng vẫn giữ tính nặc danh của nguồn tin. Trang web của tổ chức ra mắt vào tháng 12/2006 và một năm sau đó, trang web này tuyên bố cơ sở dữ liệu của họ đã có hơn 1,2 triệu tài liệu.

WikiLeaks năm 2010 gây chấn động toàn cầu khi công bố hàng nghìn tài liệu mật từ Lầu Năm Góc đề cập tới hoạt động của quân đội Mỹ ở Iraq và Afghanistan. Cùng năm, WikiLeaks tiếp tục tung ra hơn 250.000 tài liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ chứa những đánh giá nhạy cảm về các chính phủ và chính trị gia nước ngoài.

Các công tố viên Mỹ và quan chức an ninh phương Tây coi Assange là “kẻ thù liều lĩnh và nguy hiểm với quốc gia”, cho rằng hành động của ông đe dọa tính mạng những đặc vụ có tên trong tài liệu bị rò rỉ.

Tuy nhiên, những người ủng hộ Assange coi sáng lập viên WikiLeaks là nạn nhân của Mỹ vì vạch trần hành vi sai trái của nước này trong cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq.

Trang tin dành cho người Việt tại Đài Loan. Hãy share ngay cho cộng đồng người Việt tại Dai Loan để cập nhật tin mới về luật pháp, cuộc sống, nghề nails.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here