Chính thức ký hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Anh

0
124

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA) vừa được ký tối 29/12.

u

UKVFTA được ký tại London (Anh) lúc 21h tối theo giờ Việt Nam. Vì Covid-19, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam và Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh không trực tiếp có mặt để ký theo thông lệ. Thay vào đó, Chính phủ hai nước đã ủy quyền cho các đại sứ.

Hiệp định UKVFTA là bước tiếp nối quan hệ thương mại Việt – Anh khi Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA) không còn áp dụng với Anh sau ngày 31/12/2020 vì Brexit. Với các cam kết cơ bản dựa trên EVFTA nhưng được điều chỉnh phù hợp hơn với hai nước, UKVFTA sẽ chính thức có hiệu lực từ 23h ngày 31/12/2020.

Theo cam kết, sau 6 năm UKVFTA có hiệu lực, Anh sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. EU đã cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan (TRQ) với thuế nhập khẩu là 0% với một số mặt hàng.

Về phần mình, Anh cho biết sẽ dựa trên số liệu thống kê của EU về trao đổi thương mại song phương thực tế giữa Việt Nam và Anh giai đoạn 2014-2016 để quyết định chính sách tương tự. Anh cũng cam kết rà soát nâng lượng TRQ với mặt hàng gạo của Việt Nam sau 3 năm kể từ ngày UKVFTA có hiệu lực.

Đọc Thêm:  Thực hư về thông báo đến tháng 9 mới mở cửa trường học?

Các ngành hàng xuất khẩu được hưởng lợi lớn từ hiệp định này là thủy hải sản, gạo, dệt may, gỗ, rau quả, da giày…

Ngược lại, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định đi vào hiệu lực với 48,5% số dòng thuế, chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu từ Anh. Sau 6 năm, số dòng thuế được xóa bỏ nâng lên 91,8%, tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu và sau 9 năm là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch).

Ngoài ra, Hiệp định còn đưa ra các cam kết quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm, các rào cản kỹ thuật trong thương mại, dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, pháp lý – thể chế.

Bộ Công Thương cho biết, thông qua UKVFTA, Việt Nam sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ mạnh đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Indonesia… là những nước không có triển vọng ký kết FTA với Anh trong nhiều năm tới.

Mặt khác, Việt Nam có thêm cơ hội hợp tác, đầu tư, chuyển giao công nghệ, thu hút khách du lịch Anh sau khi Covid-19 kết thúc. Hiệp định cũng tạo thông điệp tích cực trong quan hệ chung Việt Nam – Anh nhất là khi hai bên mới ra Tuyên bố chung về tầm nhìn hợp tác song phương nhân kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

Đọc Thêm:  Hai ngân hàng lớn tại Anh phải đối mặt với sự tẩy chay nếu không rút lại sự ủng hộ đối với luật an ninh Hong Kong

Trước đó, ngày 11/12, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và người đồng cấp Elizabeth Truss đã ký biên bản kết thúc đàm phán UKVFTA sau hơn 2 năm thảo luận. Đây là nền tảng để hai nước tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để đi đến ký kết chính thức hiệp định.

Anh là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực châu Âu, sau Đức và Hà Lan. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 6,6 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 5,8 tỷ USD. Trong giai đoạn từ 2011-2019, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương Việt – Anh tăng trung bình 12,1% một năm, cao hơn mức trung bình chung của Việt Nam 10% một năm. Tăng trưởng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu với thị trường này cũng đạt mức cao (trên 10%).

Bộ Công Thương đánh giá, dư địa tăng trưởng thị trường tại Anh còn rất lớn. Hiện sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm không quá 1% trong miếng bánh nhập khẩu hàng hoá mỗi năm gần 700 tỷ USD của Anh.

Theo: Vnexpress

Trang tin dành cho người Việt tại Đài Loan. Hãy share ngay cho cộng đồng người Việt tại Dai Loan để cập nhật tin mới về luật pháp, cuộc sống, nghề nails.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here