Lạm phát giá đồ ăn nhanh tại Anh

0
95

Một phần ba cửa hàng bán cá và khoai tây chiên – món ăn truyền thống của người Anh – có nguy cơ phá sản năm nay vì ‘bão giá’.

Tại cửa hàng Hooked Fish and Chips ở phía tây London, Bally Singh đang chật vật kinh doanh món ăn truyền thống khi giá cá, khoai tây, dầu ăn, thậm chí bột mỳ đều tăng vọt. Không có khách, Singh cùng nhiều chủ nhà hàng khác đang xoay xở, tìm cách thoát cuộc suy thoái gây ra bởi xung đột ở Ukraine, Covid-19 và Brexit.

“Giá cá tăng phi mã. Giá dầu tăng phi mã. Mọi nguyên liệu để nấu nướng đều tăng”, Singh liệt kê.

Bally Singh với một phần cá và khoai tây chiên tại cửa hàng của mình. Ảnh: Reuters
Bally Singh với một phần cá và khoai tây chiên tại cửa hàng của mình. Ảnh: Reuters

Một suất cá và khoai tây chiên tại cửa hàng của Singh đang có giá 9,5 bảng, cao hơn 1,55 bảng so với năm ngoái. Singh cũng cho biết nếu chuyển các chi phí sang người mua, giá bán sẽ phải là gần 11 bảng.

“Việc giữ giá hợp lý và cạnh tranh so với các loại thức ăn nhanh khác là rất khó. Doanh số bán hàng của chúng tôi đang giảm rồi”, anh nói.

Thủ tướng Anh Boris Johnson từng hứa sẽ tái thiết mọi thứ sau đại dịch. Tuy nhiên, giá cả đang khiến nền kinh tế này đi chệch hướng. Một phần ba cửa hàng bán cá và khoai tây chiên nước này đối diện nguy cơ phá sản trong năm nay vì áp lực giá, theo Company Debt. Chỉ trong 1 năm, giá cá tuyết và cá tuyết chấm đen – hai loại cá được yêu thích tại Anh – đã tăng 75%. Dầu hướng dương tăng 60%, còn bột mỳ là 40%.

Lạm phát tại nước này đạt đỉnh 40 năm hồi tháng 4, với 9%, cao nhất trong các nước G7. Mức này được dự báo sẽ còn tăng thêm. Người tiêu dùng Anh cũng bi quan hơn so với người dân các nước châu Âu khác. Điều này làm dấy lên chỉ trích với Chính phủ và Ngân hàng Trung ương do không kiểm soát được giá cả.

Đọc Thêm:  Anh phát hiện thêm 6 biến thể mới có nguồn gốc từ Brazil

Tại thị trấn ven biển phía Nam Swanage, các khách hàng cho biết lạm phát khiến họ khó đưa ra các lựa chọn.

Paula Williams, 66 tuổi, ngồi trên băng ghế bên ngoài cửa hàng Fish Plaice, nói: “Tôi không gặp vấn đề gì khi mua một phần ăn cho mình, 11 bảng chỉ cho một người. Nhưng nếu bạn đi với một nhóm 5-6 người, chi phí có lẽ đắt hơn đi nhà hàng”.

Cá và khoai tây chiên là món ăn được ưa thích ở Anh kể từ khi ra đời cách đây 160 năm. Từ sau Brexit, các cửa hàng bán món ăn này bắt đầu gặp khó. UK Fisheries, công ty đánh bắt hải sản xa bờ, ước tính sản lượng cá tuyết Bắc Cực mà Anh được phép đánh bắt trong năm 2022 giảm còn 40% so với trước khi rời EU.

Căng thẳng quân sự tại Ukraine cũng làm tăng giá nhiên liệu, điện, từ đó đẩy chi phí đánh bắt, chế biến cá lên theo. Xung đột này cũng ảnh hưởng đến nguồn cá tuyết và cá tuyết chấm đen vốn có nguồn gốc từ biển Barents, phía Bắc Na Uy và Nga. Tháng 3, Chính phủ Anh đã đưa cá thị trắng của Nga vào danh sách các mặt hàng bị áp thuế 35%, nhằm trừng phạt nước này. Dầu hướng dương, mặt hàng nông nghiệp chính mà Anh nhập từ Ukraine cũng đang được nước này tìm cách thay thế bằng loại khác, ví dụ như dầu hạt cải Australia.

Đọc Thêm:  Anh chuẩn bị triển khai tiêm vaccine COVID-19 của Đại học Oxford

Người phát ngôn Bộ Môi trường, thực phẩm và các vấn đề nông thôn Anh cho biết đang phối hợp chặt chẽ với ngành, trong đó có Liên đoàn quốc gia về bảo vệ ngành cá và khoai tây chiên (The National Federation of Fish Friers – NFFF) để giảm thiểu thách thức mà các nhà hàng gặp phải.

Tuy nhiên, liên đoàn này cho biết, các cửa hàng đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất từ trước đến nay. Chủ tịch NFFF Andrew Crook nói: “Mỗi ngày tôi đều nhận được các cuộc điện thoại than thở của các chủ nhà hàng”.

Yael Selfin, Kinh tế trưởng tại KPMG Anh, đánh giá các cửa hàng bán cá và khoai tây chiên bị tác động nhiều hơn so với các các doanh nghiệp lớn, do thiếu sức mua. “Chúng tôi kỳ vọng người tiêu dùng và các hộ gia đình cân đối lại chi tiêu và điều chỉnh cho phù hợp hơn”, Selfin nói.

Để đối phó với tình hình, Singh đang tìm cách cắt giảm chi phí bằng cách thay cá tuyết bằng cá minh thái. Tuy nhiên, nhiên liệu vẫn là vấn đề đau đầu. “Vì phải giữ cho dầu luôn nóng, ngồi không chúng tôi cũng mất tiền”, anh nói.

Tại Swanage, ông Malcolm Petherick, 73 tuổi, một thợ xây cũng lo ngại những biến cố này có thể khiến nước Anh mất đi một phần di sản văn hoá. “Thời tôi còn bé, cá và khoai tây chiên là suất ăn của người nghèo. Nhưng bây giờ 2 suất giá đến 23 bảng, người nghèo nào có thể mua được?”, ông nói.

Trang tin dành cho người Việt tại Đài Loan. Hãy share ngay cho cộng đồng người Việt tại Dai Loan để cập nhật tin mới về luật pháp, cuộc sống, nghề nails.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here