Những bê bối nhấn chìm nhiệm kỳ Thủ tướng Johnson

0
71
Britain's Prime Minister Boris Johnson walks to a waiting car as he leaves from 10 Downing Street in central London on July 6, 2022 to head to the Houses of Parliament for the weekly Prime Minister's Questions (PMQs) session. - UK Prime Minister Boris Johnson suffered two shock departures from his government Tuesday, including his finance minister, as civil war erupted in the high command of the ruling Conservative party. (Photo by Daniel LEAL / AFP)

Đình chỉ quốc hội, tiệc tùng giữa đại dịch hay sai lầm trong bổ nhiệm là những bê bối châm ngòi cuộc khủng hoảng khiến Thủ tướng Johnson phải từ chức.

Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 7/7 tuyên bố từ chức, chấm dứt nhiệm kỳ gần 3 năm. Trong thời gian nắm quyền, ông Johnson đã trải qua nhiều bê bối và sóng gió, kết thúc bằng làn sóng từ chức của các bộ trưởng, thứ trưởng, những người tuyên bố “mất niềm tin” vào khả năng lãnh đạo của ông.

Đình chỉ quốc hội bất hợp pháp

Thủ tướng Johnson nhậm chức ngày 23/7/2019, với cam kết thúc đẩy nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (hay còn gọi là Brexit). Những người chỉ trích Johnson thường cáo buộc ông không tôn trọng các quy trình của chính phủ và bẻ cong quy tắc theo ý bản thân, và điều đó dường như được thể hiện chỉ một tháng sau khi ông nắm quyền.

Thủ tướng Johnson muốn quá trình Brexit diễn ra đúng hạn vào cuối tháng 10/2019. Người tiền nhiệm của Johnson là Theresa May đã ba lần đưa dự thảo thỏa thuận Brexit với EU ra quốc hội nhưng đều bị bác bỏ. Khi chỉ còn 65 ngày nữa là đến hạn Brexit, một số nghị sĩ Anh tìm cách ngăn Johnson để nước này rời khỏi EU mà không có thỏa thuận.

Do đó, ông hôm 28/8/2019 đã đề nghị Nữ hoàng lùi bài phát biểu khai mạc kỳ họp mùa thu quốc hội Anh vào 14/10, đồng nghĩa với việc quốc hội Anh bị đình chỉ từ giữa tháng 9. Động thái này khiến các nghị sĩ chỉ còn khoảng hai tuần để thông qua bất kỳ văn bản nào nhằm trì hoãn Brexit.

Hiến pháp Anh quy định Nữ hoàng cần làm theo đề đạt của chính quyền. Vì vậy, khi ông Johnson đề nghị Nữ hoàng đình chỉ quốc hội, bà có nghĩa vụ phải chấp thuận.

Thủ tướng Anh Boris Johnson tại Văn phòng Thủ tướng, London, thủ đô Anh, ngày 6/7. Ảnh: AFP.
Thủ tướng Anh Boris Johnson tại Văn phòng Thủ tướng, London, thủ đô Anh, ngày 6/7. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, Tòa án Tối cao đã tuyên bố động thái này của Thủ tướng Johnson là bất hợp pháp bởi nó “cản trở khả năng thực hiện nhiệm vụ lập hiến của quốc hội và không có lý do chính đáng”, đồng thời cáo buộc chính quyền của ông cố tình “đánh lừa” Nữ hoàng như một phần trong chiến lược đảm bảo Brexit.

Nguồn tin từ Sunday Times cho biết Thủ tướng Johnson đã phải xin lỗi vì đã đẩy Nữ hoàng vào tình thế khó xử.

Sự việc này chỉ là một ví dụ cho thấy Thủ tướng Anh coi thường các quy tắc và tiêu chuẩn của quốc hội, theo Ivana Kottasova và Tara Subramaniam, hai bình luận viên của CNN.

Ông cũng từng lên tiếng bảo vệ Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel sau cuộc điều tra cho thấy bà Patel đối xử thiếu tôn trọng với cấp dưới và có hành vi được cho là “bắt nạt”.

Đọc Thêm:  Biến thể nCoV ở Anh có thể làm tăng 30% tỷ lệ tử vong

Sau sự việc, cố vấn đạo đức Alex Allan của ông Johnson đã tuyên bố từ chức. Các chính trị gia đối lập cũng lập tức chỉ trích Thủ tướng “bật đèn xanh” cho hành vi bắt nạt cấp dưới trong chính phủ.

Chi 280.000 USD tân trang căn hộ

Một trong những bê bối đầu tiên mà ông Johnson phải đối mặt là cáo buộc tham nhũng, sau khi loạt tin nhắn trên mạng xã hội WhatsApps cho thấy ông đã yêu cầu một nhà tài trợ thuộc đảng Bảo thủ chi tiền tân trang căn hộ ở Phố Downing. Truyền thông Anh cho biết chi phí cải tạo căn hộ có thể lên tới 280.000 USD, dù Thủ tướng chỉ nhận được khoản trợ cấp 36.000 USD/năm cho căn hộ.

Cựu cố vấn hàng đầu của ông Johnson, Dominic Cummings, tiết lộ rằng Thủ tướng đã lên kế hoạch cho phép các nhà tài trợ “bí mật chi trả” cho việc cải tạo căn hộ của ông.

Các khoản tài trợ và cho vay chính trị được kiểm soát chặt chẽ ở Anh. Các khoản cho vay trên 7.500 bảng (10.400 USD) đều được Ủy ban Bầu cử, cơ quan chuyên giám sát vấn đề tài chính bầu cử và chính trị ở Anh, ghi lại và báo cáo công khai 4 lần một năm.

Tuy nhiên, Thủ tướng Johnson đã không báo cáo các khoản tài trợ này, khiến đảng Bảo thủ bị phạt 21.300 USD hồi cuối năm ngoái.

Bê bối vận động hành lang Owen Paterson

Năm 2021, ông Johnson đã cố gắng thuyết phục các nghị sĩ đảng Bảo thủ bỏ phiếu ủng hộ đảo ngược quyết định đình chỉ công tác của Owen Paterson, một cựu bộ trưởng nội các và là nhà vận động hành lang nhiều ảnh hưởng.

Paterson lúc đó đối mặt nguy cơ bị đình chỉ công tác 30 ngày sau khi bị cáo buộc vi phạm nghiêm trọng các quy định về vận động hành lang. Sau khi vấp phải phản ứng từ các nghị sĩ, Thủ tướng Johnson thừa nhận sai lầm và xin lỗi, còn Paterson cuối cùng phải rút khỏi ghế nghị sĩ.

Ghế của Paterson, vốn đã thuộc về đảng Bảo thủ gần 200 năm, đã rơi vào tay đảng Dân chủ Tự do đối lập trong cuộc bầu cử tháng 12/2021.

Tiệc tùng giữa đại dịch

Uy tín của Thủ tướng Johson bị tổn hại nghiêm trọng sau bê bối mở tiệc giữa lệnh phong tỏa, khi các hình ảnh về sự việc bị rò rỉ và lan truyền trên truyền thông, gây làn sóng phẫn nộ trong công chúng.

Theo Telegraph, các cố vấn và công chức đã tụ tập tại Văn phòng Thủ tướng ở Phố Downing để chia tay James Slack, giám đốc truyền thông của Johnson, vào ngày 16/4/2021. Họ tiếp tục đến siêu thị gần đó mua rượu, tiệc tùng đến khuya, uống say và nhảy múa, thậm chí làm gãy xích đu của con trai Johnson.

Đọc Thêm:  Tiêm vaccine Covid-19 có ảnh hưởng đến phương pháp IVF?
Thủ tướng Boris Johson tại bữa tiệc rượu giữa đại dịch Covid-19 ở Văn phòng Thủ tướng, Phố Downing, ngày 16/4/2021. Ảnh: WSJ.
Thủ tướng Boris Johson nâng ly tại bữa tiệc giữa đại dịch Covid-19 ở Văn phòng Thủ tướng, Phố Downing, ngày 16/4/2021. Ảnh: WSJ.

Bữa tiệc diễn ra vào đêm trước lễ tang Hoàng thân Philip, chồng Nữ hoàng Anh Elizabeth II, cũng là thời điểm Anh đang phong tỏa để ngăn Covid-19 và trong thời gian quốc tang. Nữ hoàng đã đeo khẩu trang, ngồi một mình trong lễ tang chồng ở Lâu đài Windsor, tuân thủ quy định phòng chống dịch.

Văn phòng Thủ tướng Anh hồi đầu năm xin lỗi Nữ hoàng.

Bản thân Thủ tướng Johnson cũng bị Sở cảnh sát London phạt tiền vì vi phạm quy định phong tỏa. Cảnh sát trước đó đã điều tra 12 cuộc tụ tập tại Phố Downing và Văn phòng Nội các sau khi một cuộc điều tra nội bộ cho thấy ông Johnson và nhân viên tham gia các bữa tiệc có sử dụng bia rượu. Tuy nhiên, cảnh sát cho biết sẽ không nêu cụ thể tên những người nhận án phạt.

Thủ tướng Anh ban đầu phủ nhận cáo buộc vi phạm quy định chống dịch. Đến hôm 12/1, ông thừa nhận trước quốc hội rằng đã tụ tập với nhân viên tại số 10 Phố Downing khoảng 25 phút vào ngày 20/5/2020, nhưng nhanh chóng quay vào văn phòng và nghĩ đó chỉ là sự kiện về công việc.

Văn phòng của Johnson còn bị nghi ngờ mở tiệc Giáng sinh giữa lệnh phong tỏa tháng 12/2020. Sự việc gây phẫn nộ tới mức cựu phát ngôn viên kiêm cố vấn Thủ tướng Anh Allegra Stratton phải từ chức trong nước mắt.

Nữ hoàng Elizabeth ngồi một mình trong nhà thờ tại tang lễ Hoàng thân Philip ngày 17/4/2021 do lệnh phong tỏa ngăn Covid-19 hạn chế người tham dự. Ảnh: AP.
Nữ hoàng Elizabeth ngồi một mình trong nhà thờ tại tang lễ Hoàng thân Philip ngày 17/4/2021 do lệnh phong tỏa ngăn Covid-19 hạn chế người tham dự. Ảnh: AP.

Cáo buộc quấy rối tình dục của quan chức đảng Bảo thủ

Làn sóng từ chức trong tuần này khởi đầu với hai đơn từ chức của Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak và Bộ trưởng Y tế Sajid Javid. Hai thành viên nội các cấp cao này ra quyết định chỉ vài phút sau khi Thủ tướng Johnson lên tiếng xin lỗi về bê bối mới nhất trong chính quyền của ông, liên quan đến cáo buộc quấy rối tình dục và say xỉn của Chris Pincher, phó chánh văn phòng đảng Bảo thủ.

Pincher được cho là đã bị khiếu nại về hành vi không chuẩn mực tại Bộ Ngoại giao 3 năm trước và Thủ tướng Johnson đã được báo cáo về điều đó, nhưng ông vẫn thăng chức cho người này. Phố Downing sau đó giải thích rằng ông Johnson đã “quên” mất cáo buộc.

Pincher từ chức vào tuần trước, sau khi bị cáo buộc sàm sỡ hai khách mời trong một bữa tối riêng tư. Ông không trực tiếp thừa nhận cáo buộc, song đã nhắn riêng với Johnson rằng “đêm qua tôi đã uống quá nhiều và khiến bản thân cũng như những người khác phải xấu hổ”.

Ông Johnson ngày 5/7 thừa nhận quyết định bổ nhiệm Pincher là “một sai lầm”, nhưng mọi thứ đã quá muộn.

Trang tin dành cho người Việt tại Đài Loan. Hãy share ngay cho cộng đồng người Việt tại Dai Loan để cập nhật tin mới về luật pháp, cuộc sống, nghề nails.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here