Những đòn giáng liên tiếp đe dọa vị thế Thủ tướng Anh

0
49

Hàng loạt bộ trưởng từ chức như những đòn giáng liên tiếp vào Thủ tướng Johnson, khiến ông đối mặt sóng gió chính trị lớn nhất trong nhiệm kỳ.

Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 5/7 hứng chịu những đòn giáng chính trị nghiêm trọng, khi loạt bộ trưởng cấp cao trong nội các của ông đồng loạt xin từ chức.

Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak và Bộ trưởng Y tế Sajid Javid là những người khởi đầu, nộp đơn từ chức chỉ vài phút sau khi Thủ tướng Johnson lên tiếng xin lỗi về bê bối mới nhất trong chính quyền của ông, liên quan đến cáo buộc quấy rối tình dục và say xỉn của một nghị sĩ đảng Bảo thủ.

Thủ tướng Anh Boris Johnson (thứ ba từ trái sang) cùng Bộ trưởng Y tế Sajid (ngoài cùng bên trái) và Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak (thứ ba từ phải sang) tham dự một cuộc họp nội các hôm 5/7. Ảnh: NY Times.
Thủ tướng Anh Boris Johnson (thứ ba từ trái sang) cùng Bộ trưởng Y tế Sajid (ngoài cùng bên trái) và Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak (thứ tư từ trái sang) tham dự một cuộc họp nội các hôm 5/7. Ảnh: NY Times.

Quyết định từ chức của hai bộ trưởng được đánh giá là cú sốc lớn đối với Thủ tướng Johnson, đặc biệt là sau khi ông vừa “thoát hiểm” trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội hồi tháng trước.

Chúng cũng góp phần khoét sâu thêm rạn nứt bên trong chính quyền Thủ tướng Johnson vào thời điểm ông đang phải vật lộn với một cuộc “nổi loạn” từ các nghị sĩ đảng Bảo thủ. Họ tức giận và phản đối những hành vi gây tranh cãi của Thủ tướng, như việc ông tụ tập tiệc tùng ở Phố Downing, vi phạm các quy tắc chống Covid-19 hồi năm ngoái.

Ông Johnson đã nhanh chóng bổ nhiệm người thay thế Bộ trưởng Sunak và Bộ trưởng Javid, phát đi thông điệp rằng ông sẽ nỗ lực ổn định chính phủ và đấu tranh để bảo vệ ghế Thủ tướng.

Nhưng không lâu sau, Thủ tướng Johnson hứng chịu đòn giáng tiếp theo. Bộ trưởng Trẻ em và Gia đình Will Quince, Bộ trưởng Giáo dục Robin Walker và Thứ trưởng Giao thông Laura Trott cũng đồng loạt thông báo từ chức. Bà Trott giải thích cho quyết định của mình là do “mất niềm tin vào chính phủ”.

Theo giới quan sát, với những lá đơn từ chức liên tục được gửi đến, Thủ tướng Johnson đang phải đối mặt với rủi ro chính trị lớn hơn bất kỳ thời điểm nào trong ba năm nhiệm kỳ đầy biến động vừa qua.

Các nhà phân tích và một số nghị sĩ cấp cao đảng Bảo thủ đánh giá loạt quyết định từ chức của các bộ trưởng có thể làm suy yếu nền tảng ủng hộ với Thủ tướng Johnson ngay bên trong đảng Bảo thủ, khiến con đường phía trước của ông trở nên chông gai hơn bao giờ hết.

“Tôi không thấy bất kỳ cánh cửa nào có thể giúp ông ấy vượt qua sóng gió lần này. Tình hình giống như đã đến bước đường cùng”, Tim Bale, giáo sư chính trị tại Đại học Queen Mary, London, nhận xét. “Đơn từ chức của các bộ trưởng đã tạo ra những lỗ hổng lớn khó vá lại trong nội các”.

Vì đã “vượt ải” bất tín nhiệm hồi tháng 6 nên Thủ tướng Johnson sẽ không phải đối mặt thêm bất kỳ cuộc bỏ phiếu tương tự nào trong vòng 12 tháng nữa, trừ khi Hạ viện Anh thay đổi quy định. Vậy nên, từ chức dường như là cách làm hiệu quả duy nhất để các thành viên nội các bất đồng với Johnson gây áp lực buộc ông rút khỏi ghế Thủ tướng. Những lá đơn từ chức trong nội các từng khiến nhiều người tiền nhiệm của Thủ tướng Johnson điêu đứng, trong đó có cả cựu thủ tướng Margaret Thatcher.

Đọc Thêm:  Pin mặt trời với lớp hấp thụ ánh sáng bằng 1/1.000 sợi tóc

Sự ủng hộ trong nội các từng là một phần sức mạnh của Thủ tướng Johnson, bất chấp những sóng gió chính trị ông gặp phải. Nhưng những người ra đi đang làm tăng thêm nỗi lo âu của các đảng viên Bảo thủ rằng Thủ tướng Johnson giờ đây không còn là “người bất khả chiến bại”, danh tiếng mà ông đã xây dựng được sau chiến thắng bầu cử vang dội hồi năm 2019, điều giúp ông vượt qua mọi bê bối cho đến nay.

Giới quan sát cho rằng việc Thủ tướng Johnson gần đây thăng chức cho nghị sĩ đảng Bảo thủ Chris Pincher làm phó lãnh đạo văn phòng kỷ luật của đảng dường như là “ngòi nổ” khởi phát làn sóng từ chức trong nội các.

Tuần trước, Pincher đã từ chức sau khi thừa nhận say xỉn tại một câu lạc bộ thượng lưu ở London, nơi ông được cho là đã “động chạm không phù hợp” với hai người đàn ông. Pincher đã bị đình chỉ chức vụ trong đảng khi cuộc điều tra diễn ra, song ông vẫn chưa từ chức thành viên quốc hội.

Hôm 5/7, Phố Downing thừa nhận Thủ tướng Johnson đã được báo cáo về những cáo buộc trước đó chống lại ông Pincher vào năm 2019, điều mà văn phòng Thủ tướng ban đầu phủ nhận. Ông Johnson sau đó gửi lời xin lỗi trên BBC vì thăng chức cho ông Pincher, thừa nhận đây là một quyết định “sai lầm”.

“Tôi xin lỗi tất cả những ai đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự việc này”, ông nói.

Nếu Thủ tướng Anh cho rằng hành động đó là đủ để níu chân các bộ trưởng thì ông đã sai lầm. Bộ trưởng Sunak, người giữ chức vụ được coi là quyền lực thứ hai trong chính phủ, đã đệ trình một lá đơn từ chức với lời lẽ chỉ trích thẳng thừng nhắm vào Thủ tướng.

“Với tôi, từ chức trong lúc thế giới đang đối mặt với những hậu quả kinh tế của đại dịch, cuộc xung đột ở Ukraine cùng những thách thức nghiêm trọng khác không phải một quyết định dễ dàng”, ông viết. “Công chúng thực sự mong đợi chính phủ được điều hành một cách đúng đắn, hợp lý và nghiêm túc. Tôi nhận ra đây có thể là chức bộ trưởng cuối cùng của mình, nhưng tôi tin rằng những tiêu chuẩn này đáng để đấu tranh và đó là lý do tôi từ chức”.

Đọc Thêm:  Bỏng mắt cùng những hình ảnh bốc lửa của Lucie Donlan

“Tôi rất tiếc khi phải thông báo rằng tôi không còn có thể tiếp tục phục vụ trong chính phủ này được nữa”, Bộ trưởng Javid cho hay. “Tôi cũng giống như những người dân Anh khác mong đợi sự chính trực từ chính phủ của mình”.

Đến nay, có vẻ như một số bộ trưởng trong nội các vẫn sát cánh cùng Thủ tướng Johnson, trong đó có Ngoại trưởng Liz Truss, Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace cùng Bộ trưởng Cộng đồng và Nhà ở Michael Gove.

Theo các nhà phân tích, Thủ tướng Johnson đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hồi tháng 6 phần lớn là vì trên chính trường Anh lúc bấy giờ không có gương mặt rõ ràng nào đủ khả năng thay thế ông. Nhưng có một thực tế khiến ông không khỏi cảm thấy lo âu là hơn 40% nghị sĩ trong đảng Bảo thủ đã bỏ phiếu chống lại ông.

Bên cạnh đó, nhiều gương mặt kế nhiệm tiềm năng cũng dần xuất hiện trong một nội các nhiều bất đồng. Các thành viên đảng Bảo thủ cũng đang tranh luận về việc có nên thay đổi quy định để tổ chức một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm khác sớm hơn hay không.

Ngoài bê bối tiệc tùng giữa phong tỏa, hàng loạt lùm xùm khác cũng đang nhấn chìm uy tín của Thủ tướng Johnson, như việc ông chi nhiều tiền tân trang căn hộ ở Phố Downing. Thủ tướng Anh cũng kiên quyết bảo vệ nhà lập pháp đảng Bảo thủ Owen Paterson khi ông này vi phạm các quy tắc vận động hành lang, để rồi cuối cùng phải thừa nhận sai lầm và xin lỗi.

Khi bê bối mới nhất nổ ra, một số nghị sĩ đảng Bảo thủ đã nói rõ rằng họ không muốn có thêm bất kỳ “đường lùi” nào cho Thủ tướng Johnson.

“Tôi đã bỏ phiếu chống với ông Johnson trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm gần đây và hôm nay tiếp tục nhắc lại những lo ngại của mình”, Laurence Robertson, nghị sĩ kỳ cựu của đảng Bảo thủ, viết trên Twitter. “Việc các bộ trưởng từ chức cho thấy nhiều người khác cũng bắt đầu đồng tình rằng loạt bê bối trong những tháng qua đang khiến chúng ta phân tâm khỏi các thách thức mà đất nước phải đối mặt. Thủ tướng phải từ chức ngay”.

“Đảng Bảo thủ vẫn còn rất nhiều người có thể cống hiến cho đất nước chúng ta. Đã đến lúc có một khởi đầu mới”, Mark Harper, chủ tịch Nhóm các nghị sĩ Bảo thủ, viết trên Twitter sau quyết định từ chức của ông Sunak và Javid.

“Khi những người như Sunak và Javid cho rằng đã quá đủ, tôi cho rằng mọi thứ đã an bài. Đã đến lúc đảng phải có một hướng đi mới”, Julian Knight, một thành viên đảng Bảo thủ khác tại quốc hội, nhấn mạnh.

Trang tin dành cho người Việt tại Đài Loan. Hãy share ngay cho cộng đồng người Việt tại Dai Loan để cập nhật tin mới về luật pháp, cuộc sống, nghề nails.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here