Ông Rishi Sunak sẽ phải lèo lái kinh tế Anh vượt qua 3 cuộc khủng hoảng – về chi phí sinh hoạt, vay nợ và cả niềm tin.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak hôm nay sẽ được Vua Charles III chính thức bổ nhiệm làm Thủ tướng thay thế bà Liz Truss. Ông Sunak sẽ tiếp quản nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới trong bối cảnh Anh chìm trong khủng hoảng chính trị – tài chính nhiều tháng qua.
Thành công của ông sẽ được quyết định bởi khả năng xử lý các thách thức đang ngày càng lớn với kinh tế Anh. Đó là lạm phát cao và cuộc suy thoái đang nhen nhóm, gây ra tâm lý thất vọng bao trùm.
“Không còn nghi ngờ gì nữa. Chúng ta đang đối mặt với các thách thức kinh tế khổng lồ”, ông phát biểu hôm qua sau khi được tuyên bố sẽ trở thành tân Thủ tướng Anh, “Chúng ta giờ cần sự ổn định và đoàn kết”.
Sunak từng chỉ trích kế hoạch kinh tế của bà Truss là “truyện cổ tích”. Truss là thủ tướng có thời gian tại nhiệm ngắn nhất lịch sử nước Anh. Chương trình kinh tế chủ chốt của bà – kích thích tăng trưởng thông qua giảm thuế, trong thời điểm lạm phát cao – đã bị nhà đầu tư phản đối. Đồng bảng vì thế xuống thấp kỷ lục so với USD. Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cũng phải can thiệp vào thị trường nhằm bình ổn giá trái phiếu chính phủ Anh.
Hôm qua, các thị trường tài chính đã phản ứng tích cực với chiến thắng của ông Sunak. Đồng bảng tăng nhẹ so với USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Anh kỳ hạn 10 năm giảm mạnh. Đây là tín hiệu nhà đầu tư đánh cược Sunak sẽ giảm chi tiêu công để củng cố tài chính của Anh. Chỉ số FTSE 250 – theo dõi cổ phiếu các công ty vốn hóa trung bình tại Anh – tăng 1,1%.
Trong chiến dịch tranh cử vài tháng trước, ông phản đối kế hoạch đi vay để giảm thuế của bà Truss. Sunak cho rằng lạm phát là vấn đề cần giải quyết trước giảm thuế. Hiện tại, lạm phát của Anh là 10,1%.
“Tôi không nghĩ chúng ta có thể làm được cả 2 việc cùng một lúc đâu”, ông cho biết hồi tháng 8. Ông cho biết mình vẫn sẽ giảm thuế, nhưng chỉ khi áp lực giá được xoa dịu.
Khi đó, Sunak thua. Nhưng những bình luận của ông giờ đã được chứng minh là đúng. Bà Truss sau đó đã buộc phải rút lại kế hoạch giảm thuế.
Sắp tới, chính phủ Anh sẽ phải đối mặt với các quyết định khó khăn về chi tiêu. Ngày 31/10, Bộ Tài chính Anh dự kiến công bố kế hoạch giảm chi và tăng thuế để lấp đầy khoảng 40 tỷ bảng thâm hụt ngân sách.
Chính sách tài khóa thận trọng của Sunak cũng sẽ giảm sức ép tăng lãi suất lên Ngân hàng Trung ương Anh (BOE). Thị trường hiện dự báo lãi suất tối đa năm tới mà BOE công bố sẽ chỉ còn 5%, thay vì 6% như thời điểm bà Truss mới bỏ kế hoạch kinh tế.
Dù vậy, triển vọng kinh tế Anh cũng không mấy sáng sủa. Sunak có thể phải đối mặt với tình trạng lạm phát tăng nhanh hơn lương và nguy cơ suy thoái kéo dài trong một năm. Trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ, ông có thể còn chứng kiến các cuộc đình công của công nhân Anh, đồng thời phải cân nhắc có nên cắt điện khi Nga đang giảm khí đốt bán cho châu Âu.
Trái với các nước giàu khác, kinh tế Anh vẫn chưa quay về quy mô tiền đại dịch. Anh tăng trưởng rất chậm trong quý II, khiến GDP còn kém 0,2% so với quý cuối năm 2019 – thời điểm ngay trước khi Covid-19 bùng phát. GDP Anh giảm 0,3% trong tháng 8, sau khi chỉ tăng 0,1% tháng 7.
“Bất ổn chính trị và kinh tế đã khiến hoạt động kinh doanh giảm với tốc độ chưa từng thấy kể từ khủng hoảng tài chính năm 2009”, Chris Williamson – kinh tế trưởng tại S&P Global Market Intelligence nhận định.
Cuối tuần trước, các số liệu do chính phủ Anh công bố cho thấy doanh số bán lẻ giảm 1,4% trong tháng 9 – tệ hơn dự báo. Niềm tin tiêu dùng cũng ở gần mức thấp nhất lịch sử khi lạm phát quay lại đỉnh 40 năm. Chính phủ Anh thì đã vay ròng 20 tỷ bảng trong tháng 9 – cao hơn dự kiến tới 5,2 tỷ bảng.
“Doanh số bán lẻ yếu và chính phủ đi vay nhiều sẽ khiến nhiệm vụ sắp tới của tân Thủ tướng thêm khó khăn. Ông ấy sẽ phải đưa nền kinh tế đi qua cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, khủng hoảng vay nợ và khủng hoảng niềm tin”, Ruth Gregory – nhà kinh tế học tại Capital Economics nhận định.
Là thành viên giàu nhất trong Hạ viện Anh, Sunak có thể sẽ gặp khó khi giải thích về quyết định giảm chi tiêu công, khiến cuộc sống của tầng lớp lao động càng khó khăn hơn. Dù vậy, nhiều người cho rằng tài chính mạnh sẽ giúp kinh tế Anh cải thiện sức cạnh tranh, từ đó đem lại thịnh vượng cho người dân trong dài hạn.