Gia đình, đồng nghiệp tiễn biệt nghệ sĩ Hoàng Dũng

0
388

HÀ NỘI- Vợ con và nhiều đồng nghiệp, học trò đưa tiễn nghệ sĩ Hoàng Dũng trong tang lễ sáng 20/2.

Trước khi qua đời hôm 14/2, nghệ sĩ Hoàng Dũng có di nguyện lễ tang của ông diễn ra ấm cúng, giản dị. Gia đình đề nghị người viếng không mang vòng hoa, đeo khẩu trang để đảm bảo an toàn. Vợ ông – bà Nguyễn Dung – nghẹn ngào khóc, được hai con an ủi. Hơn 30 năm chung sống với nhau, bà Dung là hậu phương vững chắc của nghệ sĩ. Khi mới lấy nhau, cả hai không đủ tiền để gửi con đi nhà trẻ, vợ ông phải nghỉ làm để ở nhà trông con. Sau này, bà xoay xở kinh doanh quán cà phê, bán quần áo, mở cửa hàng xe máy… để ông yên tâm đi diễn. Bà là fan của chồng nên không bao giờ bỏ lỡ bất kỳ bộ phim, kịch nào ông đóng.

Con trai cả của cố nghệ sĩ – Hoàng Duy – từng là diễn viên nhí, nhưng rẽ sang hướng kinh doanh. Những năm cuối đời, một trong những niềm an ủi của ông là con lớn đã lập gia đình. Con út ông – Hoàng Triều Dương – là sinh viên Đại học Sân khấu Điện ảnh. Anh trở thành diễn viên để hoàn thành mơ ước được đóng phim, kịch chung cùng bố. Khi nằm trên giường bệnh, ông nói “Bố sẽ cố gắng”, chiến đấu để mong muốn của con trai thành sự thật.

Nhiều đồng nghiệp gắn bó với cố diễn viên tạm biệt ông lần cuối. Chu Hùng, Minh Vượng là bạn học của ông. Thời là sinh viên Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, cố nghệ sĩ được bạn bè nể phục vì tinh thần cầu tiến. Gia cảnh khó khăn do bố mẹ mất sớm, nghệ sĩ Hoàng Dũng từng định bỏ học, đi làm nghề sản xuất thủy tinh – pha lê ở nước ngoài nhưng được Chu Hùng động viên tiếp tục theo nghề. Sau này, họ cùng công tác ở Nhà hát Kịch Hà Nội.

Kỷ niệm cuối giữa Minh Vượng và Hoàng Dũng là lần đóng chung phim Trở về giữa yêu thương. Cuối tháng 12 năm ngoái, sau khi họ quay cảnh ông Phương tiễn các con ra ở riêng, đoàn phim mua cơm hộp cho hai diễn viên vì họ đau xương, không đi lại được. Do nén đau, nghệ sĩ Hoàng Dũng chẳng ăn uống được gì. Ngồi bên cạnh, Minh Vượng liên tục động viên bạn. Hôm sau, ông nhập viện cấp cứu, phẫu thuật cột sống rồi phát hiện bệnh ung thư tụy.

Đọc Thêm:  10 ngày Anh tổ chức quốc tang Nữ hoàng Elizabeth II

Đến nay, nghệ sĩ Trung Anh vẫn không tin người anh, người bạn thân thiết đã ra đi. Anh nhận lời đóng thay vai diễn dang dở của nghệ sĩ Hoàng Dũng trong phim Trở về giữa yêu thương, coi đó như kỷ niệm cuối cùng của hai người. Việt Anh nhớ những ngày cuối đời, khi nghệ sĩ Hoàng Dũng nửa tỉnh nửa mê trong bệnh viện, thỉnh thoảng, ông đọc thoại phim rồi nói với mọi người: “Chuẩn bị quần áo để bố đi quay”, “Tao chỉ lo cho đoàn phim”. Giống như nhiều học trò khác từng được ông đào tạo, Việt Anh gọi cố nghệ sĩ là “bố” bởi nể trọng nhân cách, tài năng và nhiệt huyết với nghề của ông. Anh nói một trong những may mắn trong đời là được đóng cùng cố nghệ sĩ hai phim – Người phán xử và Sinh tử.

8h36 phút, nghệ sĩ Trung Hiếu – Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội – đọc điếu văn đưa tiễn cố nghệ sĩ Hoàng Dũng, điểm lại những dấu mốc trong cuộc đời, sự nghiệp của ông. Sinh ra ở phố cổ Hàng Đường, Hà Nội, chàng thanh niên Hoàng Dũng với vẻ thư sinh, phong nhã khi ấy tình cờ đỗ vào Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội rồi bén duyên nghề diễn. Trong 40 năm, ông đã tạo dựng tên tuổi qua loạt vai diễn để đời trên sân khấu Nhà hát Kịch Hà Nội, qua các vở Ăn mày dĩ vãng, Thầy khóa làng tôi, Ảo vọng, Mùa hoa sữa, Tôi và chúng ta, Cát bụi… Ngoài ra, ông ghi dấu qua vai trò đạo diễn các vở Huyết lệnh, Trái tim trong trắng, Vùng lạnh, Nguồn sáng trong đời… Sau khi nghỉ hưu năm 2017, ông miệt mài làm việc, đóng một phim điện ảnh và sáu phim truyền hình.

Đọc Thêm:  Hàng chục nghìn người Anh tham gia chiến dịch tiêm vaccine COVID-19

Nghệ sĩ Trung Hiếu rưng rưng đọc điếu văn: “Từng vai diễn, từng lời thoại của anh đều được khán giả yêu thích và nhớ đến. Ngay cả khi ngã bệnh, anh vẫn đau đáu về bộ phim còn đang dang dở. Tôi tin rằng, mỗi người chúng ta sẽ luôn lưu giữ hình ảnh cùng rất nhiều kỷ niệm đẹp về anh. Chúng ta sẽ luôn nhớ ánh mắt ấm áp, nhớ nụ cười hóm hỉnh, thân thương của anh. Hình ảnh anh ngồi bó gối trầm ngâm, suy tư về vai diễn, về vở diễn với điếu thuốc dính chặt trên tay dường như vẫn còn rất gần đâu đây”.

Trung Hiếu nhắc đến vai diễn để đời của cố nghệ sĩ – Bá Nhỡ trong Tiếng đàn vùng Mê Thảo. Tập thể nghệ sĩ Nhà hát Kịch Hà Nội mặc áo dài trắng bên linh cữu , cùng tái hiện cảnh Bá Nhỡ qua đời. Cùng lúc ấy, bài Kiếp tằm – ca khúc chủ đề vở kịch do Tiến Minh sáng tác – vang lên trong không gian trang nghiêm.

Trong vở kịch, ông vào vai một nghệ sĩ khao khát tìm cái đẹp, chấp nhận cái chết để tấu lên khúc nhạc thức tỉnh nhân gian. Ông đóng vai Bá Nhỡ trong buổi chia tay sau khi nghỉ hưu ở Nhà hát Kịch Hà Nội đầu năm 2017. Trung Hiếu kết thúc điếu văn: “Anh chính là ông Bá Nhỡ ấy – một người nghệ sĩ tài ba như một con tằm mải miết nhả tơ, mải miết cống hiến cho nghệ thuật đến phút cuối lìa đời … Trong bể trầm luân của phận người, các vai diễn dường như đã nhập hồn ám ảnh cuộc đời người nghệ sĩ trong anh. Anh Hoàng Dũng ơi, anh đã và đang sống giữa yêu thương của mọi người, của tất cả khán giả yêu nghệ thuật. Kính mong anh – người nghệ sĩ của nhân dân – yên giấc ngàn thu”.

Theo: Vnexpress

Trang tin dành cho người Việt tại Đài Loan. Hãy share ngay cho cộng đồng người Việt tại Dai Loan để cập nhật tin mới về luật pháp, cuộc sống, nghề nails.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here