Người Anh hết kiên nhẫn với lệnh phong tỏa

0
1377

Sau một năm chịu loạt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt chống Covid-19, nhiều người dân Anh giờ đây không thể tiếp tục tuân thủ vì mưu sinh.

Anna cho biết cô không bao giờ muốn phá vỡ các lệnh phong tỏa chống Covid-19 mà chính phủ Anh ban hành. Người phụ nữ 37 tuổi này đã xoay sở tìm mọi cách để vượt qua đại dịch. Cô làm lao công tại một tòa nhà văn phòng ở thủ đô London, nơi còn mở cửa nhưng gần như trống rỗng vì hầu hết nhân viên đều đang làm việc tại nhà.

Đây là công việc mà người phụ nữ gốc Ecuador đã làm suốt 5 năm trước khi từ Tây Ban Nha chuyển đến Anh vào năm 2013. Tên thật của Anna không được tiết lộ vì cô sợ sẽ bị chủ lao động gây khó dễ.

Người chủ của Anna khăng khăng yêu cầu cô tiếp tục dọn dẹp tòa nhà trong đại dịch, nhưng cắt giảm ngày làm từ 5 xuống còn 4. Cô kiếm được 14,77 USD mỗi giờ.

“Tôi bị ép buộc làm việc trong một tòa nhà không thiết yếu”, Anna nói với CNN. “Chẳng có ai đến làm cả, tôi chỉ có một mình”.

Tháng trước, Anna nhiễm Covid-19. Cô không chắc mình bị lây từ đâu nhưng cho biết có thể “trên xe buýt hoặc tàu điện ngầm”. Cô sống ở phía nam London trong một căn hộ thuê chung. Ban đầu, Covid-19 khiến cô kiệt quệ.

“Tôi ho dữ dội, sốt, mệt mỏi và chóng mặt”, Anna nói. “Tôi mất rất nhiều thời gian hồi phục vì căn bệnh này vô cùng đau đớn và khủng khiếp”.

Nhưng sau khi ở nhà vài ngày và bắt đầu hồi phục, Anna quyết định đi làm dù chỉ được trả một phần lương. Chính phủ Anh yêu cầu bệnh nhân cần cách ly ít nhất 10 ngày sau khi hồi phục khỏi Covid-19.

“Tôi chỉ còn thấy mệt mỏi và đau đầu”, Anna cho hay. “Đấy là lý do tôi đi làm trở lại. Tôi không thể ở nhà vì lương của tôi rất thấp. Tôi thấy có lỗi vì mình có thể lây nhiễm cho những người khác nhưng tôi không còn lựa chọn nào khác”.

Hành vi vi phạm các quy định cách ly, phong tỏa đang tràn lan trên khắp nước Anh. Theo Dido Harding, người phụ trách chương trình Xét nghiệm và Truy vết Covid-19 của nước này, có đến 20.000 người mỗi ngày không thể ở nhà khi được hướng dẫn.

Harding còn lo ngại về tình trạng người dân có triệu chứng nhiễm bệnh nhưng không chịu đi xét nghiệm. Với chính phủ Anh, việc người dân thiếu tuân thủ quy định phòng chống dịch là một nỗi lo lớn. “Điều tôi sợ nhất là người dân cảm thấy mệt mỏi nhưng không đến xét nghiệm”, bà nói.

Những người phá vỡ lệnh phong tỏa có một khuôn mẫu phổ biến. Họ thường là người trẻ tuổi và bất cần, vẫn muốn tiệc tùng và gặp gỡ bạn bè. Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá bức tranh toàn cảnh còn mang nhiều sắc thái hơn. Theo khảo sát từ YouGov hồi tháng một, đa phần công chúng Anh đều ủng hộ lệnh phong tỏa. Những người không tuân thủ thường không có khả năng hay điều kiện để tuân theo.

“Chúng ta quá nhấn mạnh vào việc người dân không vi phạm quy tắc nhưng phần lớn thực sự đang tuân thủ quy tắc”, Muge Cevik, giảng viên lâm sàng về các bệnh truyền nhiễm và virus học tại Đại học St. Andrews ở Scotland, nhận xét.

Đọc Thêm:  Thủ tướng Anh thông báo sẽ tìm ra người cần chịu trách nhiệm trong những vụ bạo lực

Cevik cùng các đồng nghiệp mới đây đăng một bài viết trên Tạp chí Y khoa Anh kêu gọi chính phủ hỗ trợ nhiều hơn cho những người tự nguyện cách ly. Họ lấy dẫn chứng thành công của mô hình xét nghiệm kết hợp chăm sóc ở San Francisco, Mỹ, giúp những người cách ly bằng cách giao hàng hóa, nhu yếu phẩm tận nhà, bên cạnh loạt biện pháp khác. Một mô hình tương tự ở New York, cho phép người dân quyền chọn cách ly tại khách sạn, cũng được ca ngợi trong bài viết.

“Phần lớn các ca nhập viện đều là những lao động chính”, Cevik nói với CNN. “Chúng tôi đang chứng kiến những đợt bùng phát lớn tại các nhà kho, nhà máy đóng gói thịt, trại dưỡng lão… Điểm chung duy nhất là họ đều là người lao động được trả lương thấp, có thể thường xuyên phải sống trong những căn nhà chung đông đúc”.

Tháng 9/2020, chính phủ Anh công bố một gói cứu trợ mới dành cho những người tự cách ly. Người có thu nhập thấp phải ở nhà có thể nhận khoản thanh toán 500 bảng (gần 700 USD) nếu họ bị mất lương. Hình phạt cho hành vi phá vỡ lệnh phong tỏa cũng được điều chỉnh tăng. Người vi phạm bị phát hiện phải đối mặt với khoản tiền phạt lên đến 1.370 USD.

“Khoản thanh toán Hỗ trợ Xét nghiệm và Truy vết 500 bảng sẽ đảm bảo những lao động thu nhập thấp có thể tự cách ly mà không phải lo lắng về tài chính”, chính phủ Anh nhấn mạnh trong một thông báo hồi tháng 9 năm ngoái.

Nhưng khoản tiền hỗ trợ này lại đi kèm với những điều kiện nghiêm ngặt. Người nộp đơn phải là người đã nhận được một số hỗ trợ phúc lợi từ chính phủ Anh, như tín dụng phổ thông, tín dụng thuế lao động hay trợ cấp nhà ở. Đầu tuần trước, một nghiên cứu do Hiệp hội Công đoàn Thương mại Anh công bố cho thấy chỉ chưa đầy 40% đơn xin nhận khoản trợ cấp trên thành công.

Harding thừa nhận rằng thiếu hỗ trợ tài chính là một lý do khiến nhiều người buộc phải vi phạm lệnh phong tỏa.

Cevik và các đồng nghiệp tin rằng nhà chức trách có thể trợ giúp nhiều hơn, như tạo điều kiện để những người sống trọ trong các ngôi nhà chung đông đúc được tự cách ly ở một chỗ riêng nhằm hạn chế virus lây lan.

“Nếu ai đó dương tính với nCoV thì tại thời điểm xét nghiệm, chúng ta có thể hỏi họ ‘Bạn có không gian cách ly không? Hay bạn có được nghỉ ốm không”, Cevik gợi ý.

Anna quả quyết rằng cô chắc chắn sẽ ở nhà nếu nhận được nhiều hỗ trợ hơn. “Tôi lẽ ra nên ở nhà ngay từ đầu. Tôi cảm thấy rất tệ, nhưng những lao động thu nhập thấp như chúng tôi không có lựa chọn”.

“Tôi không đổ lỗi cho những người rơi vào cảnh tuyệt vọng và lựa chọn vẫn tiếp tục làm việc của họ”, Yaseen Aslam, chủ tịch ACDU, công đoàn đại diện cho các lái xe tư nhân và tài xế chuyển phát nhanh của Anh, nói. “Tôi biết có một người lái xe phải cách ly 4 lần trong hai tháng. Tại sao lại đến mức đó?”.

Đọc Thêm:  'Chiến dịch Cầu London' - kế hoạch tang lễ Nữ hoàng Anh

“Vấn đề là các tài xế hiện kiếm được từ 35 đến 50 bảng mỗi ngày. Khoản trợ cấp 500 bảng tương đối tốt nhưng họ đang tuyệt vọng. Và khi bạn tuyệt vọng, bạn chấp nhận rủi ro”, Aslam cho hay.

Các hãng cung cấp dịch vụ vận tải chở khách tại Anh đã thí điểm một kế hoạch lắp đặt miễn phí vách ngăn cho 400 xe nhằm bảo vệ tài xế và hành khách trước nguy cơ lây nhiễm virus, như khuyến nghị từ chính phủ. Những tài xế không nằm trong chương trình thí điểm trên phải lựa chọn có trả tiền để lắp đặt màn chắn hay không.

Một tài xế giấu tên ở London cho biết anh và các đồng nghiệp của mình chọn không lắp màn chắn bởi họ đơn giản là không đủ khả năng chi trả. “Đây là một đại dịch. Nó sẽ không kéo dài mãi mãi. Tại sao tôi phải tốn tiền vào một thứ không kéo dài mãi chứ?”, anh nói.

Aslam cho biết ông đã làm việc với các tài xế trên khắp thế giới, từ Pháp, Hà Lan đến Mỹ. “Chúng tôi nhìn thấy vấn đề này trên toàn cầu, nhưng không ai giúp chúng tôi cả”, ông nói.

Làn sóng phẫn nộ và thất vọng trước những biện pháp phong tỏa đang bùng nổ tại châu Âu. Nhiều cuộc biểu tình phản đối phong tỏa đã diễn ra ở Áo, Hungary và Hà Lan.

Những người chống phong tỏa cũng tràn xuống các đường phố nước Anh, đáng chú ý nhất là các cuộc biểu tình hồi tháng 11 năm ngoái. Hàng chục người đã bị bắt trong các cuộc tuần hành, nơi họ chia sẻ những thuyết âm mưu về Covid-19.

“Nếu mọi người cảm thấy dễ bị tổn thương, họ sẽ tuân thủ các quy định phong tỏa”, Pamela Briggs, giáo sư tâm lý học ứng dụng tại Đại học Northumbria, Anh, nhận xét. “Với những người cảm thấy họ không dễ bị tổn thương, việc tuân thủ trở thành vấn đề liên quan đến nghĩa vụ công dân nhiều hơn”.

“Nếu bạn chấp nhận hy sinh thì bạn phải tin rằng chúng sẽ có hiệu quả”, Briggs nói. “Vấn đề nảy sinh khi mọi người không hiểu vì sao họ được yêu cầu làm những điều này… Nếu người dân cảm thấy các quy định không hợp lý, họ sẽ thách thức chúng”.

Theo Briggs, mọi người cần tin rằng sự hy sinh của họ khi tuân thủ quy định không ra khỏi nhà là xứng đáng. Ba lần phong tỏa của Anh, về mặt nào đó, đã giúp hạn chế gia tăng ca nhiễm.

“Chúng ta có thể khiến mọi người cảm thấy sự chịu đựng của họ đang thực sự phát huy tác dụng”, bà cho hay. “Có nhiều cách để chứng minh hiệu quả của lệnh phong tỏa và chính phủ cần làm nhiều hơn”.

Một năm khủng hoảng Covid, chính phủ Anh tiếp tục sử dụng biện pháp phong tỏa như phương cách cuối cùng. Một số tin tốt đang chờ đợi ở phía trước, số ca nhiễm bắt đầu giảm và chương trình tiêm chủng đã được ca ngợi rộng rãi. Điều giới chức Anh phải đối mặt hiện nay là làm thế nào để giúp người dân ở nhà trước tâm lý mệt mỏi, chán chường về cả tâm lý lẫn tài chính.

Theo : CNN

Trang tin dành cho người Việt tại Đài Loan. Hãy share ngay cho cộng đồng người Việt tại Dai Loan để cập nhật tin mới về luật pháp, cuộc sống, nghề nails.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here